Mối quan hệ Nghiệp (Karmic Relationship)là gì?

admin

Bạn yêu họ. Bạn cũng ghét họ. Trái tim của bạn bùng cháy và ruột gan bạn khuấy động khi ở gần họ.

Chào mừng bạn đến thế giới của những Mối quan hệ nghiệp (Karmic Relationships).

Một giây trước 2 bạn đang cười đùa, giây tiếp sau cả hai la hét vào mặt nhau.

Phút trước 2 người còn ôm hôn nhau thắm thiết, phút tiêp sau bạn cảm thấy như mình muốn giết chết họ.

Tuy nhiên, bất chấp những thăng trầm, bạn dường như luôn bị dính chấp vào chiếc màng nhện mối quan hệ của bạn và đối phương.

Tất cả chúng ta đều trải qua ít nhất một mối quan hệ nghiệp trong cuộc sống – đó là một phần trong lời kêu gọi thức tỉnh tâm linh mà chúng ta nhận được.

Những câu hỏi đặt ra là “Làm thế nào để chúng ta biết được liệu một mối quan hệ nào đó có phải “nghiệp” hay không? Mục đích của các mối quan hệ nghiệp là gì? Và nó có lợi ích gì khi bạn đang ở trong một mối quan hệ như vậy hay không?

Mối quan hệ Nghiệp là gì?

Theo dòng thời gian truy vết nguồn gốc của nó trong triết học phương Đông cổ đại, mối quan hệ nghiệp mô tả mối liên hệ giữa 2 người được nhen nhóm lại trong kiếp này, từ một kiếp sống nào đó từ trước.

Vì bất cứ lý do gì, mối quan hệ mà chúng ta có trong kiếp trước đó mang theo nó “một số vấn đề chưa được hoàn thành” hay chưa được giải quyết. Bởi thế, trong kiếp này chúng ta có nhiệm vụ giải trừ nghiệp chướng đó để làm giàu thêm trải nghiệm của linh hồn, đồng thời giúp cho Linh hồn ta thêm tiến hóa.

Một cách giải thích khác đó là những mối quan hệ nghiệp là mối liên kết được tạo ra giữa các linh hồn của những cá nhân riêng lẻ, được thiết lập trước khi họ được sinh ra vào thế giới này, đã đồng ý với tất cả những điều khoản (dù tốt hay xấu), hay còn được gọi được gọi dưới cái tên khác là “Hợp đồng linh hồn”.

Cho dù bạn có tin vào luân hồi hay không thì các mối quan hệ nghiệp (ít nhất) có thể được coi là cơ hội để bạn học được những bài học lớn trong cuộc sống. Đồng thời, các mối quan hệ nghiệp không chỉ xảy ra giữa những người yêu nhau mà còn dễ thấy giữa bạn bè, giữa những thành viên trong gia đình, con cái và thậm chí là đồng nghiệp.

Mối quan hệ Twin Flame + Soul Mate = Mối quan hệ Nghiệp?

Tại thời điểm này, bạn có thể tự hỏi liệu những mối quan hệ như Twin Flame hay Soul Mate có phải là mối quan hệ Nghiệp không?

Câu trả lời của tôi là “Đôi khi thì Có, nhưng thường thì Không”.

Một cách ngắn gọn:

Soul Mate là những người trong cuộc sống mà chúng ta kết nối ở mức độ sâu sắc. Kết nối giữa những soul mate cho cảm giác nhẹ nhàng, sâu sắc và dễ dàng (nhưng vậy, nó không có khả năng là “nghiệp”).

Còn Twin Flame là tấm gương phản chiếu tâm hồn của chúng ta. Kết nối giữa Twin Flame mang lại cảm giác mãnh liệt và chuyển hóa: mục đích của chúng là giúp ta trải qua sự hòa hợp và chuyển hóa ở cấp độ linh hồn.

Người ta thường nhầm lẫn mối quan hệ Nghiệp với mối liên hệ giữa Twin Flame. Đôi khi chúng khá kết nối và có liên quan, tuy nhiên, về tổng thể thì mối quan hệ Twin Flame được tạo ta để giúp ta nhiều hơn để hại ta.

Một lần nữa, có một ranh giới nhỏ giữa “Sự giúp đỡ” và “Gây tổn hại”. Đôi khi, điều gì đó gây hại cho ta nhưng cuối cùng lại có thể giúp ích cho ta, và ngược lại. Nhưng nhìn chung, cũng không quá khó khăn để phân biệt giữa Twin Flame/Soul Mate và các mối quan hệ Nghiệp.

Mối quan Nghiệp có mùi giống như Thuốc lá. Mối quan hệ Soul Mate có hương hoa hồng và hoa nhài. Còn Twin Flame thì có múi như Trầm hương và Mộc dược (myrrh). Bởi thế, khi cần phân biệt giữa những mối quan hệ này, điều quan trọng là hãy nhớ sự khác biệt giữa Bài học nghiệp (Karmic lessons) và Mối quan hệ nghiệp (Karmic relationships).

Nếu mối quan hệ bạn có giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc không ngừng nghỉ, đó là thể là “Nghiệp quả”. Nhưng nếu thỉnh thoảng mới có những cuộc tranh cãi, đôi khi kịch liệt (có mối quan hệ nào lại không có những thứ như vậy) – thì đó có thể là “bài học nghiệp” mà bạn đang trong quá trình học hỏi.

Thức tỉnh tâm linh và mối quan hệ Nghiệp

Có một viên ruby đỏ lấp lánh ẩn chứa nơi cốt lõi của các mối quan hệ nghiệp. Kho báu muốn được tìm thấy cần sự nỗ lực tìm kiếm, có thể sẽ mất rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và quan trọng nhất là “một sự khiêm tốn vô cùng”. Món quà mà tôi đang nói đến chính là Sự phát triển tâm linh và sự trưởng thành về mặt tâm hồn.

Các mối quan hệ nghiệp là cánh cửa dẫn đến sự phát triển, mở rộng và sự tự do sâu sắc hơn. Chúng vừa khó chịu, đôi khi cảm thấy thật tuyệt vọng, nhưng đồng thời chúng cũng là cơ hội để đưa ta quay về Sự thật về mình. Nhưng cơ hội thức tỉnh này chưa bao giờ là dễ dàng. Bản chất của cuộc sống là phải va chạm thì mới phát triển được. Gà con phải tự mổ để thoát ra khỏi vỏ trứng. Một chiếc cây con phải vươn lên từ lòng đất để đón ánh nắng mặt trời…

Chúng ta đều phải trải qua quá trình đầy căng thẳng và giải thoát, chết và tái sinh này.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả máu, mồ hôi và nước mắt, cuối cùng chúng ta sẽ nhận ra rằng những nỗi đau mà chúng ta phải chịu đựng sẽ không bao giờ làm giảm bớt đi bản chất của ta, thậm chí, nó còn giúp ta tôi rèn. Cái tôi của chúng ta có thể tan vỡ, nhưng tâm hồn của chúng ta là không thể bị xâm phạm. Có lẽ đó là bài học tinh thần lớn nhất mà những mối quan hệ nghiệp mang đến: chúng mở cánh cửa nơi chứa đựng sức mạnh của Tình yêu, thông qua cửa ngõ của sự buông bỏ. 

Chúng nhắc nhở ta về con người thật của mình.

19 Dấu hiệu + Những giai đoạn chứng tỏ bạn đang ở trong một Mối quan hệ Nghiệp

Tất cả chúng ta đều từng thấy những dạng thức của các mối quan hệ nghiệp diễn ra trong văn học và thần thoại trước đây. Romeo và Juliet, Tristan và Isolde, Catherine và Heathcliff – tất cả những câu chuyện về “nghiệp duyên” này đều dạy chúng ta một điều gì đó.

Nhưng thật khó để biết liệu chúng ta có đang ở trong một mối quan hệ nghiệp hay không. Và nếu có, thì ta cần phải làm gì tiếp theo.

Dưới đây là một số dấu hiệu hữu ích cần lưu ý, được viết chủ yếu dành cho những ai đang ở trong một mối quan hệ nghiệp: 

  1. Không thể cưỡng lại họ

Ngay khi gặp nhau, cả hai đã có sự kết nối ngay lập tức, cứ như thể 2 bạn là 2 mảnh nam châm hút chặt lấy nhau, mọi thứ thật bí ẩn và giống như định mệnh. Bạn chỉ có thể yêu hoặc ghét họ, không có điểm trung gian.

  1. Chúng gây nghiện

Từ khi bạn bắt đầu mối quan hệ này, bạn đã rơi xuống sâu hơn nơi lỗ thỏ. Có gì đó ở họ khiến bạn u mê – giống như một hỗn hợp gây nghiện của chocolate, rượu và heroin. Chẳng bao giờ là đủ cả. Mọi nỗ lực tránh xa chúng đều khó khăn như việc phải cai cơn nghiện ma túy vậy…

  1. Trải nghiệm chuyến tàu lượn siêu tốc của cảm xúc

Bạn càng dành nhiều thời gian cho họ thì đời sống tình cảm của bạn ngày càng bị cuốn vào ngõ cụt. Bạn xoay vẫn giữa yêu, ghét, ham muốn, ghê tởm, tiếng cười và những cơn thịnh nộ. Mức độ cảm xúc bạn trải qua luôn là cao cực độ, hoặc thấp cực độ.

  1. Những tình huống bi kịch cứ liên tục diễn ra

Khi cảm xúc của bạn cứ nảy lên rồi lại bị đập xuống, mối quan hệ của bạn cũng vậy. Cả hai bạn dường như cứ vô thức thu hút hoặc tạo ra những bi kịch, sự kịch tính (drama) và rồi cùng nhau chơi trò chơi vô thức.

  1. Có điều gì đó “bị tắc nghẽn” 

Bản năng ruột của bạn bắt đầu hoạt động và mang tới thứ cảm giác nặng nề, khó chịu hoặc sợ hãi thường trực. Trong sâu thẳm, bạn không thể rũ bỏ cảm giác rằng có gì đó khủng khiếp trong mối quan hệ của mình. Bạn cố gắng phớt lờ cảm giác này, coi đó là suy nghĩ ngu ngốc hoặc sự hoang tưởng.

  1. Bạn cảm thấy không an toàn

Bạn cảm thấy khó khăn để show ra phần dễ tổn thương của  mình. Làm sao có thể tin tưởng họ với trái tim quý giá mong manh của bạn? Trên thực tế, bạn không biết rằng liệu mình có thể thực sự tin tưởng họ hay không sau tất cả những gì cả 2 đã trải qua.

Khi bạn cởi mở bản thân mình cho họ, nhưng họ lại chẳng có khoảng không gian nào dành cho bạn. Họ quá bận tâm đến vấn đề của riêng mình hoặc họ thẳng thừng từ chối bạn. Cuối cùng, bạn cảm thấy không đủ an toàn để là chính mình khi ở cạnh họ.

  1. Trải nghiệm tình dục tuyệt vời

Về mặt tình dục, hai bạn có một kết nối nóng bỏng, mãnh liệt và hoang dã. Bạn chưa bao giờ trải nghiệm thứ tình dục tuyệt vời đến vậy trong đời mình. Và sau đó, có gì đó thiếu hụt. Sự kết nối rất tuyệt diệu, nhưng cũng gây nghiện, bởi nó khiến bạn mắc kẹt ở chỗ cũ.

  1. Các chu kỳ và khuôn mẫu lặp lại

Những khuôn mẫu tiêu cực tương tự nhau cứ xuất hiện cho dù bạn nghĩ rằng cả 2 đã “cùng nhau giải quyết”. Có thể họ không thực sự cần mối quan hệ này, hoặc bạn là người không cần nó.

Ví dụ: Nếu một trong 2 người đã ngoại tình, rất có thể chuyện đó đã xảy ra nhiều lần và sẽ tiếp tục. Ngay cả những cơn cáu kỉnh nhỏ cũng tiếp tục nổi lên theo những cách ngày càng cực đoan và đầy tiêu cực.

  1. Vấn đề giao tiếp

Hãy đối mặt với nó, hai bạn không phải là những người giỏi giao tiếp. Có quá nhiều giả định, giả thuyết, ngộ nhận, định kiến, phán xét không được nói ra mà đã nhanh chóng biến thành “kết luận cuối cùng”. Khi bạn cố gắng giao tiếp cởi mở, mọi thứ thường không diễn ra theo cách bạn mong muốn, dù bạn có cố gắng bao nhiêu đi nữa.

  1. Giận dữ và Thịnh nộ

Ở bất cứ thời điểm nào, cả 2 đều giống những que diêm chỉ chờ được đánh lửa. Một trong 2 người sẽ có xu hướng kiếm chế cơn tức giận đó (thứ sẽ biến thành cơn thịnh nộ), và người kia có xu hướng bùng nổ bất cứ khi nào bị kích động. Cả hai bạn đều có những cách đặc biệt để khiến nhau tức giận.

  1. Họ làm dấy lên những điều tệ hại trong bạn

Bản thân bóng tối của bạn rất thích thú với việc khiêu vũ cùng nhau và bạn thường bị shock bởi hành vi của họ và của chính mình. Đôi khi bạn tự hỏi “Tôi là ai/Họ thực sự là ai?” – và mặc dù họ gợi nên những điều tồi tệ nhất trong bạn, bạn sẽ không thể tưởng tượng được cuộc sống mà không có họ. Bạn chỉ đơn giản là không thể buông tay.

  1. Tiêu hao và cạn kiệt năng lượng

Ở trong mối quan hệ này thật sự mệt mỏi. Bạn cảm thấy kiệt quệ về tinh thần và cảm xúc mỗi khi ở bên cạnh họ, nhưng rất có thể bạn đang tự trách mình vì những cảm xúc này. Sự thật là nếu bạn cảm thấy liên tục cảm thấy kiệt sức, quá trình buông bỏ đã được bắt đầu. Mối quan hệ chỉ đơn giản là sẽ không thể lâu dài và cuối cùng bạn sẽ nhận ra mình buộc phải rời đi.

  1. Giá trị và đạo đức của bạn được kiểm định

Bạn chấp nhận những hành vi từ họ – những điều mà bạn sẽ không bao giờ chấp nhận từ người khác. Có lẽ bạn đã kích hoạt một trong những sự nghiện ngập của họ hoặc bạn đang áp dụng một chuẩn mực đạo đức mờ nhạt. Dù thế nào đi nữa, những khía cạnh này trong bạn cũng đang được kiểm định.

Điều bạn đang sẵn sàng chịu đựng là gì? Đâu là ranh giới của bạn? Ở điểm nào thì bạn sẽ nói KHÔNG?

  1. Làm tổn thương và tự hủy hoại bản thân

Thật kỳ lạ, cứ như thể hai bạn bị hút lại gần nhau đơn giản để cố gắng phá hủy sự hạnh phúc của nhau. Đó có thể là một nhận xét mang tính châm biếm hoặc một hành động ác ý có chủ ý. Kết quả là bạn thường cảm thấy cả 2 giống như những đối thủ cạnh tranh, thay vì một đội hỗ trợ. Có một thứ bóng tối tiềm ẩn bên trong mối quan hệ của bạn và một (hoặc cả 2) trong số các bạn có xu hướng thực hiện những hành vi tự tổn thương/tự hủy hoại nhiều hơn.

  1. Sự phụ thuộc từ một phía trong mối quan hệ

Trong sâu thẳm, bạn cảm thấy rằng hạnh phúc của bạn chỉ có thể phụ thuộc nơi hạnh phúc của họ. Bất cứ điều gì họ nói, suy nghĩ hoặc cảm nhận về bạn ngay lập tức được coi là chân lý. Trong khi bạn cứ mải cho đi, còn họ thì chỉ cứ liên tục “nhận” (hoặc ngược lại). Và cuối cùng, toàn bộ ý thức về giá trị bản thân của bạn đều dựa trên cách họ cư xử.

  1. Mọi thứ bắt đầu bị đình trệ

Đến một lúc nào đó, bạn cảm thấy bế tắc. Mối quan hệ của bạn giống như bị mắc kẹt trong một hố đen dày đặc. Bạn cố gắng tiến thêm 2 bước, nhưng lại bị kéo xệch lại 10 bước. Tức giận, cay đắng, lo lắng và trầm cảm sẽ sớm xuất hiện. Bạn sợ hãi khi phải rời bỏ mối quan hệ này, nhưng nó cảm thấy như thực sự bế tắc. Bạn không biết phải làm gì nữa.

  1. Mong muốn mãnh liệt để có được câu trả lời

Mong manh, kiệt quệ và mất kết nối, bạn bắt đầu tìm kiếm câu trả lời. Tại sao mối quan hệ này lại mang đến cho bạn nhiều đau đớn đến vậy? Làm thế nào để hai bạn có thể cùng nhau giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ này?

 Khi bạn bắt đầu tìm kiếm linh hồn mình, đó là lúc bạn bắt đầu được tiến hóa. Bạn bắt đầu muốn lấy lại cảm giác về sự tự chủ. Theo nhiều cách, bạn đang bắt đầu phát triển lên một cấp độ tiếp theo, nhưng điều này có nghĩa là bạn cần phải bỏ lại họ. Sự phân tách sẽ bắt đầu khởi lên bên trong bạn, giữa mong muốn ở lại và khao khát muốn rời đi…

  1. Đấu tranh để buông bỏ

Thật ra, bạn biết rằng “mối quan hệ này không lành mạnh cho bạn”. Tuy nhiên, bạn không thể buông bỏ ý tưởng rằng “hai bạn được định đoạt sẽ ở bên nhau mãi mãi”. Bên cạnh đó, việc phải đi một mình khiến bạn cảm thấy sợ hãi và choáng ngợp.

Bạn có thể đã dứt bước ra đi, nhưng một lần nữa, bạn lại bị thu hút bởi họ! Chu kỳ bị quyến rũ và độc hại cuối cùng vẫn tiếp tục. 

Trong khi một số người có thể “cắt sợi dây nghiệp” và kết thúc hợp đồng linh hồn, những người khác tiếp tục chu trình “buông-giữ” nhiều lần trước khi cảm xúc của họ có thể được giải phóng thực sự.

  1. Kết nối lại với tình yêu và sự buông bỏ

Cuối cùng, các bài học đã được thấm nhuần. Nghiệp chướng đã được giải trừ. Nhờ sức mạnh của sự yêu thương, tha thứ và liều thuốc xác định ranh giới vững chắc – bạn đã có thể đầu hàng và buông bỏ “mối quan hệ nghiệp” của mình. Quá trình này có thể xảy ra trong cuộc đời bạn hoặc trong tương lai tùy thuộc vào việc bạn hiểu và thực hành những vấn đề nội tại của mình bao nhiêu.

BẠN CÓ NÊN “Ở LẠI”?

Câu trả lời của tôi là “Nó thì tùy vào tình huống thực tế”.

Thứ nhất – nó là một “mối quan hệ nghiệp” hay nó là một loại mối quan hệ khác với bao hàm những bài học về nghiệp (karmic lessons)?

Như tôi đã viết ở phần trước của bài viết này “Nếu mối quan hệ của bạn giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc không ngừng nghỉ, nó có thể là mối quan hệ nghiệp”. Nhưng nếu thỉnh thoảng các bạn có những cuộc tranh cãi kịch liệt – thì đó có thể là “bài học nghiệp” mà bạn đang trong quá trình học hỏi. 

Thứ hai – không có thứ gì chỉ tồn tại trắng và đen. Không phải tất cả các mối quan hệ nghiệp đều mang ý nghĩa “kết thúc” – dù hầu hết đều như vậy.

Đối phương có đang trong quá trình học hỏi hay không? Họ có cam kết để thay đổi và phát triển không? Nếu có, hãy cẩn trọng đối với quyết định của bạn vì nó có thể sẽ “ĐÁNG” để bạn ở lại. 

Còn nếu người kia không thay đổi, không phát triển hoặc không cam kết thay đổi thì tốt nhất là bạn nên chấm dứt mối quan hệ đó.

Làm thế nào để “buông bỏ” một Mối quan hệ nghiệp

Dưới đây là một số hướng dẫn:

  • Tiếp cận những người khác để được hỗ trợ về tâm thần, cảm xúc và tinh thần – chúng ta được lập trình sinh học để tìm kiếm sự thoải mái khi có sự hiện diện của người khác, vì vậy hãy cố gắng tìm kiếm (hoặc xây dựng) một mạng lưới hỗ trợ.
  • Quyết định cách bạn sẽ nói lời “Tạm biệt” – Cách tạm biệt “lành mạnh” và nhanh chóng nhất là gì?
  • Thực hành yêu thương bản thân và tha thứ – điều này sẽ cho phép bạn yêu thương và tha thứ cho họ.
  • Hãy biết ơn và kiên quyết – hãy suy ngẫm về những gì bạn biết ơn (những gì bạn học được thông quan mối quan hệ) và vững tin để ra đi.
  • Lắng nghe một số loại âm nhạc thiền chữa lành để nuôi dưỡng tinh thần.
  • Thực hành một số động tác hít thở có hướng dẫn có thể giúp bạn giải phóng loại “dây nghiệp” đang kết nối 2 người.
  • Tích cực thực hành “buông bỏ” và chấp nhận mọi thứ ở trạng thái bản nguyên vô điều kiện.
  • Lắng nghe sâu và để bản thân cảm nhận được xúc cảm nơi chính mình
  • Bắt đầu xây dựng những nền tảng cho cuộc sống mới của bạn.
  • Hãy nhớ để luôn đối xử nhẹ nhàng với bản thân và tự hào vì mình đã đi được tới tận nơi hiện tại.

Những mối quan hệ nghiệp có thể xảy ra giữa ta và bạn đời, ta và cha mẹ, con cái, bạn bè hoặc bất kỳ ai, trên thực tế – chúng là một phần của cuộc đời mỗi người. Những mối quan hệ này mang lại sự soi sáng to lớn và cơ hội cho sự tiến hóa tâm linh. Nhưng việc phát triển Linh hồn thường là một cuộc phiêu lưu đầy gian khổ và nguy hiểm. Chưa hết, giống như nhiều điều khác trong cuộc sống, những mối quan hệ nghiệp vừa là bi kịch, nhưng đồng thời cũng là dấu hiệu đẹp đẽ cho thứ Bản chất đích thực của ta – thứ được nảy nở nhờ sức mạnh của tình yêu.

Tôi hy vọng những hướng dẫn trong bài viết này đã và sẽ giúp được bạn phần nào. Và như thường lệ, hãy chia sẻ với chúng tôi về cách mà những mối quan hệ nghiệp đã giúp đỡ và làm giàu thêm trải nghiệm của cuộc sống của bạn ra sao vào phần comment bên dưới nhé…

Tác giả bài viết  Aletheia Luna. Nguồn bài viết gốc Source . Người dịch Ayako. Google with the key words “karmic relationships”